Với dân số đa dạng về sắc tộc và là nơi hội tụ của các nền văn hóa dân tộc và truyền thống tôn giáo đa dạng, Singapore là một thành phố mang vẻ đẹp đa văn hóa điển hình.

Dưới đây là hướng dẫn khám phá di sản, ẩm thực và văn hóa của các nhóm dân tộc chính ở Singapore, tinh hoa tạo nên nền tảng đa dạng của Thành phố Sư tử.

Người Hoa

Một gia đình Trung Hoa trong trang phục dân tộc hiện đại vào dịp Tết Âm lịch Người Hoa là nhóm dân tộc lớn nhất ở Singapore.
Ảnh do Michelle Goh chụp

Người Hoa là nhóm dân tộc lớn nhất ở Singapore, chiếm gần ba phần tư dân số cả nước. Và không có gì ngạc nhiên khi văn hóa Trung Hoa – từ ngôn ngữ, món ăn cho đến nghệ thuật giải trí và các lễ hội luôn chiếm vị trí nổi bật ở Singapore.

Phần lớn người Hoa tại Singapore di cư đến đây từ các tỉnh phía Nam Trung Quốc, trong đó có Phúc Kiến và Quảng Đông. Nhóm người nói tiếng Phúc Kiến và Triều Châu chiếm số lượng đông đảo nhất, tiếp theo là nhóm người nói tiếng Quảng Đông, Hải Nam và các nhóm nhỏ hơn.

Một người lao động gốc Hoa bên bờ biển, ảnh chụp trong giai đoạn những năm năm 1930 đến 1950 Nhiều người Hoa ở Singapore là dân nhập cư đến từ các tỉnh phía Nam Trung Quốc.

Trong số những người tiên phong này có rất nhiều người thuộc tầng lớp lao động nghèo khó, nhưng cũng chính họ đã gánh vác trọng trách đặt nền móng cho sự thịnh vượng về sau của Thành phố Sư tử. Cũng có người giỏi kiếm tiền hơn, nhiều thương gia xuất chúng của thành phố có gốc từ Trung Hoa. Ngày nay, người Singapore gốc Hoa tham gia vào nhiều lĩnh vực xã hội khác nhau – từ làm chính trị, kinh doanh cho đến hoạt động thể thao và giải trí.

Văn hóa truyền thống của họ đã pha trộn nhiều với các nhóm dân tộc khác ở đây và chịu ảnh hưởng từ phương Tây, nhưng Tết Âm lịch vẫn được người dân náo nức chào đón. Đó cũng là một sự nhắc nhở đầy tinh tế về bản sắc Trung Hoa của họ.

Các câu chuyện liên quan

Người Mã Lai

Cặp vợ chồng trẻ người Mã Lai chào hỏi những người lớn tuổi hơn Người Mã Lai ở Singapore là một phần của cộng đồng gắn bó rất khăng khít.

Người Mã Lai là nhóm người đầu tiên định cư ở Singapore và là nhóm dân tộc lớn thứ hai ở đây. Do vậy nền văn hóa của họ đã có sự ảnh hưởng nhất định lên các nhóm dân tộc khác đến định cư sau.

Người Mã Lai ở Singapore thuở ban đầu đến từ các vùng lân cận, như các đảo Java và Bawean của Indonesia, và bán đảo Mã Lai.

Tiếng Mã Lai được người dân địa phương ở đây sử dụng gần với phiên bản ở Bán đảo Mã Lai hơn là ở Indonesia.

Bức ảnh đen trắng chụp những người định cư Mã Lai đầu tiên ở Singapore kampong Người ta nói rằng người Mã Lai là những người đầu tiên đặt chân đến Singapore.
Với sự cho phép của National Archives of Singapore

Nền ẩm thực của họ, với những món ăn như nasi lemak (cơm nấu với nước cốt dừa, ăn kèm các món khác nhau) và mee rebus (sợi mì vàng với sốt cay), là những món mà dân sành ăn ở đây đều yêu thích, và cũng là những món ăn đường phố nổi bật của Singapore.

Phần lớn người Mã Lai theo đạo Hồi, và các dịp lễ chính như Lễ hội Hari Raya Puasa và Lễ hội Hari Raya Haji là dịp mà cộng đồng gắn bó khăng khít này tập hợp nhau lại, cùng tham gia những hoạt động lễ hội nhiều màu sắc để tôn vinh văn hóa và tôn giáo của họ.

Các câu chuyện liên quan

Người Ấn

Gia đình Ấn Độ hiện đại quây quần bên nhau thưởng thức bữa ăn nhẹ Văn hóa Ấn góp phần tạo nên sự sống động cho xã hội đa sắc tộc của Singapore.
© Singapore Press Holdings Limited. Đã được phép sao chép.

Người Ấn ở Singapore là nhóm dân tộc lớn thứ ba, và cộng đồng này là một trong những nhóm người Ấn sinh sống ở nước ngoài đông nhất.

Nhiều người đến đây từ vùng Nam Ấn, sau khi người Anh khai lập ra Singapore vào năm 1819. Ngày nay, gần 60 phần trăm người Ấn ở đây có gốc gác Tamil. Hơn một nửa người Singapore gốc Ấn là người Hindu.

Nổi tiếng với năng khiếu kinh doanh, nhiều người Ấn đã khởi nghiệp kinh doanh ở đây, buôn bán trao đổi mọi thứ từ vải vóc đến trang sức. Ngày nay, họ cũng xuất hiện nhiều trong giới chính trị và giới có chuyên môn cao.

Một bức ảnh đen trắng chụp bà mẹ trẻ Ấn Độ cùng ba con nhỏ tại một cửa hàng dệt may và đồ trang sức Nhóm người Ấn ở Singapore là một trong những cộng đồng người Ấn Độ sinh sống ở nước ngoài lớn nhất.
© Singapore Press Holdings Limited. Đã được phép sao chép.

Bạn không thể nói về người Singapore gốc Ấn mà không nhắc đến nền ẩm thực của họ, yếu tố đã góp phần tô điểm thêm hương sắc cho văn hóa ẩm thực đa dạng của Singapore, với các món ăn được yêu thích như thosai (bánh kếp mặn) và vadai (bánh bột chiên).

Các lễ hội của người Ấn ở đây vô cùng náo nhiệt và nhiều màu sắc. Deepavali, hay còn gọi là Lễ hội Ánh sáng, là một lễ hội lớn của người Ấn, còn Lễ hội Thaipusam là dịp các tín đồ tự xiên các thanh sắt qua người mình nhằm tẩy rửa tội lỗi, sẽ mang đến cho bạn những cảnh tượng vô cùng kỳ thú.

Các câu chuyện liên quan

Người Á-Âu

Một gia đình trẻ người Á-Âu cùng chụp ảnh tại Công viên Merlion Người Á-Âu là biểu trưng cho sắc màu đông tây hội ngộ sống động ở Singapore.

Cộng đồng người Á-Âu với số lượng nhỏ nhưng có ảnh hưởng lớn ở Singapore. Họ chính là minh chứng cho sắc thái đông tây hội ngộ ở Singapore. Nhóm dân tộc này bao gồm những người lai giữa dòng máu Châu Âu và Châu Á, và họ đã có mặt ở Singapore kể từ đầu thế kỷ 19.

Phần lớn người Á-Âu ở Singapore có nguồn gốc tổ tiên Châu Âu từ Bồ Đào Nha, Hà Lan hoặc Anh, còn nguồn gốc Châu Á là từ các nhóm người Hoa, người Mã Lai hoặc người Ấn.

Những người Á-Âu đầu tiên tới nơi đây một vài năm sau khi người Anh khai lập ra Singapore vào năm 1819, chủ yếu đến từ Penang và Malacca. Trong thời kỳ thuộc địa, nhiều người Á-Âu được tuyển vào làm thư ký trong các cơ quan hành chính, các ngân hàng Châu Âu cũng như các công ty mậu dịch và giao thương. Phụ nữ chủ yếu làm giáo viên và y tá.

Một bức ảnh đen trắng ghi lại chân dung gia đình Á-Âu thời kỳ đầu ở Singapore Những người Á-Âu đầu tiên đến đây vài năm sau khi người Anh khai lập ra Singapore.
Lee Brothers Studio Collection, với sự cho phép của Khu Tư liệu Quốc gia National Archives of Singapore

Ngày nay có khoảng 15.000 đến 30.000 người Á-Âu ở Singapore, chiếm tỷ lệ dưới 1% dân số. Tuy vậy, họ đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp truyền thông và giải trí của đất nước này.

Tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ của người Á-Âu, tuy một số người lớn tuổi có gốc gác Bồ Đào Nha lại sử dụng một loại tiếng Bồ Đào Nha gọi là Kristang.

Người Á-Âu cũng có các truyền thống ẩm thực của riêng họ với những món đặc trưng như súp Mulligatawny (một loại nước lèo cà ri), bánh Shepherd và bánh Sugee.

Các câu chuyện liên quan

Peranakan

Một bức ảnh đen trắng đặc tả chân dung gia đình Người Peranakan thời kỳ đầu ở Singapore Người Peranakan ở Singapore là sự pha trộn thú vị của các nền văn hóa quanh khu vực.
Lee Hin Ming Collection, với sự cho phép của National Archives of Singapore

Người Peranakan* là sự pha trộn thú vị của các nền văn hóa quanh khu vực. Người Peranakan gốc Hoa, còn gọi là Straits Chinese, ở Singapore có nguồn gốc từ khu vực eo biển Malacca vào thế kỷ 15, nơi tổ tiên của họ là những thương nhân Trung Quốc đã cưới những phụ nữ Mã Lai địa phương.

Ngoài ra còn có nhóm người Chitty Melaka, hay còn gọi là người Peranakan Indians, là con cháu sinh ra từ những cuộc hôn nhân giữa các thương nhân theo đạo Hindu miền Nam Ấn với phụ nữ địa phương, và nhóm người Jawi Peranakans, có nguồn gốc từ những cuộc hôn nhân giữa thương nhân Nam Ấn theo đạo Hồi với phụ nữ địa phương.

Phần đông người Peranakan thuở ban đầu hoạt động buôn bán và mở cửa tiệm, trong khi một số khác làm trong ngành bất động sản, vận tải đường thủy, và ngân hàng.

Dù nhiều người Hoa Straits Chinese đã hòa nhập vào cộng đồng người Hoa chiếm ưu thế hơn, nhưng họ vẫn duy trì những nét đặc trưng văn hóa riêng biệt – nổi bật nhất là về đồ ăn và trang phục dân tộc của họ.

Nền ẩm thực Peranakan với hương vị cay đặc trưng do chịu ảnh hưởng từ văn hóa Mã Lai có lẽ là khía cạnh thường thấy nhất của nhóm dân tộc này. Đồ ăn Nonya, được đặt theo tên những người phụ nữ nấu các món ăn này, có ảnh hưởng rõ rệt từ văn hóa Mã Lai và văn hóa Indonesia, với việc sử dụng các loại gia vị và nước cốt dừa.

*Đây là từ Indonesia/Malay có nghĩa là "được sinh ra tại địa phương", thường chỉ những người có nguồn gốc Trung Hoa và Malay/Indonesia.

Những người phụ nữ người Peranakan Singapore mặc trang phục truyền thống Nonya Kebaya Trang phục truyền thống của phụ nữ Peranakan gọi là Nonya Kebaya, được trang trí bằng các họa tiết thêu tay tuyệt đẹp.
Ảnh do Jaclyn Tan chụp

Tại các sự kiện trang trọng, phụ nữ Peranakan thường mặc bộ trang phục truyền thống của họ, gọi là Nonya Kebaya, trang phục này chịu ảnh hưởng từ Sarong Kebaya của người Mã Lai. Trang phục tinh xảo này là một chiếc áo kiểu may bằng vải mỏng, thường được trang trí bằng các mô tuýp thêu tay như hoa hồng, hoa lan, hoặc bươm bướm.

Các câu chuyện liên quan

Khám phá thêm