Tác phẩm điêu khắc này mô phỏng Ngài Stamford Raffles, cha đẻ của Singapore hiện đại. Ngày nay có hai bức tượng, đặt tại Khu tượng Raffles Landing Site (nơi Ngài Raffles đặt chân) và Tòa nhà Empress Place.
Bức tượng ngài Raffles bằng polymarble trắng trong tư thế khoanh tay trước ngực và suy tư nhìn về phía biển nằm bên dòng Sông Singapore là tác phẩm thường được cả khách du lịch và dân địa phương chụp hình.
Hãy chụp ảnh selfie với nhân vật nổi tiếng được đặt tại Khu Tượng Raffles Landing Site lịch sử này, nơi người ta cho rằng ngài Raffles lần đầu đặt chân lên đảo năm 1819.
Bức tượng này thật ra là bản sao của bức tượng gốc bằng đồng đen, và được đặt tại đây vào năm 1972, nhân dịp kỉ niệm 150 năm ngày Singapore được thành lập.
Nếu bạn muốn chiêm ngưỡng bức tượng gốc cổ kính hơn rất nhiều, bạn chỉ cần đi bộ một quãng ngắn đến ngay trước Victoria Memorial Hall (Đài tưởng niệm Victoria) trong Tòa nhà Empress Place. Được chế tác bởi nhà điêu khắc kiêm nhà thơ người Anh nổi tiếng Thomas Woolner, bức tượng được ra mắt vào Lễ kỷ niệm 50 năm trị vì của Nữ Hoàng Victoria (Jubilee day), ngày 27 tháng 6 năm 1887.
Người đàn ông sắt của Singapore
Du khách yêu thích những thông tin bên lề sẽ rất hứng thú với một số câu chuyện xung quanh Tượng Ngài Raffles. Đã có lúc bức tượng được gọi thân mật là orang besi (có nghĩa là "người đàn ông sắt" trong tiếng Mã Lai) khi lần đầu ra mắt công chúng.
Một thông tin thú vị khác là bức tượng đầu tiên đã được di dời khỏi vị trí ban đầu của nó ở khu Padang vào năm 1919. Khi còn ở đó, bức tượng thường bị những trái banh trong các trận túc cầu bay qua đụng trúng, và những khán giả ở khu Padang lúc bấy giờ thường thích ngồi dưới chân tượng để xem các trận đấu rõ hơn.
Trong thời kỳ quân Nhật chiếm đóng, bức tượng được di dời về Bảo tàng Syonan (trước đây gọi là Bảo tàng Raffles, bây giờ là Bảo tàng Quốc gia Singapore), và nhiều người cho rằng quân Nhật đã có ý định nung chảy bức tượng để lấy đồng. Bức tượng được đặt lại ở Tòa nhà Empress Place vào năm 1946.
Ngày nay, bức tượng là biểu tượng quốc gia (bức tượng trắng thường xuất hiện trên các món quà lưu niệm ngộ nghĩnh) và vẫn là biểu tượng của Singapore hiện đại.